Ngày đăng: 14/02/2023

Tham quan thành phố Montpellier nơi được mệnh danh là thiên đường rượu vang Pháp

Tại Pháp, ''Vignobles & Découvertes'' (Vườn nho & Khám phá) là một danh hiệu nổi tiếng dành cho các vùng miền có liên quan đến ngành trồng nho. Do cơ quan Atout France thành lập vào năm 2009, danh hiệu này nhằm mục đích quảng bá các điểm đến du lịch của Pháp. Trong hơn một thập niên qua, đã có hơn 70 vùng miền nhận danh hiệu ''Vườn nho & Khám phá''. Năm 2022, Montpellier trở thành điểm đến trên Con đường rượu vang vùng Occitanie.
 

Nhắc tới thành phố Montpellier, đầu tiên hết khách tham quan nghĩ tới quảng trường Nhà hát lớn, dãy phố Antigone, phố cổ Écusson, Hồ nước công viên Peyrou hay Bảo tàng Mỹ thuật Fabre, chuyên về trường phái hội họa Pháp thế kỷ XVI-XIX, nhưng ít ai để ý rằng xung quanh Montpellier có rất nhiều vườn nho và trang trại chuyên sản xuất rượu vang. Diện tích ngành trồng nho gần thành phố Montpellier lên tới gần 4.500 hecta, nơi sản xuất 9 hiệu rượu vang nổi tiếng là đặc sản của vùng Languedoc như rượu Saint Drézéry, Saint-Georges d’Orques hoặc Grès de Montpellier.

Các chặng dừng trên Con đường rượu vang Occitanie

Có lẽ cũng vì thế mà sau các địa danh như Limoux, Béziers, Carcassone, nay đến phiên thành phố Montpellier trở thành một chặng dừng quan trọng khi được trao tặng nhãn hiệu ''Vignobles & Découvertes'' (Vườn nho & Khám phá) năm 2022. Trước mắt, Hội đồng thành phố Montpellier Métropole đã thành lập một hệ thống gồm hàng chục đối tác trong nhiều lãnh vực khác nhau, trong đó có các văn phòng du lịch, nhà hàng quán ăn, dịch vụ chuyên chở, các hầm rượu, các xưởng chế biến, các hợp tác xã, cửa hàng kinh doanh đặc sản, các công ty chuyên tổ chức sự kiện cũng như chuyên về các dịch vụ tham quan giải trí…
 

Mục tiêu đầu tiên của kế hoạch phát triển du lịch trong vùng vẫn là cung cấp cho khách tham quan các dịch vụ bổ sung, đồng thời tạo điều kiện tiếp đón du khách nhân các kỳ nghỉ thường niên, trong đó quan trọng nhất vẫn mùa nghỉ hè. Sự kiện Montpellier được công nhận là một trong những điểm đến trên Con đường rượu vang Languedoc hẳn chắc sẽ thu hút thêm nhiều du khách. Kể từ năm 2016, theo bản đồ quy hoạch các vùng hành chính mới, vùng Languedoc-Roussillon (gọi tắt là Languedoc) đã được sáp nhập vào vùng Occitanie, nơi có truyền thống trồng nho để sản xuất rượu vang ở Pháp từ hàng chục thế kỷ qua.
 

Về mặt lịch sử, truyền thống làm rượu vang ở miền Nam nước Pháp đã có từ thời Hy Lạp cổ đại khoảng 6 thế kỷ trước công nguyên, do các thương gia hàng hải đến từ Phocea (nay là Izmir ở Thổ Nhĩ Kỳ) du nhập vào Pháp qua ngõ Massalía (nay là thành phố Marseille, miền nam nước Pháp). Với thời gian, ngành trồng nho để sản xuất rượu vang đã phát triển rất mạnh ở vùng Languedoc-Roussillon, chiếm tới gần 3 ngàn kilomét vuông, tức 300 ngàn héc ta.
 

Truyền thống làm rượu lâu đời ở miền Nam nước Pháp

Diện tích các vườn nho vùng Languedoc cao gấp ba lần so với các ruộng nho ở Bordeaux. Những vườn nho đầu tiên đã phát triển xung quanh hai vùng Béziers và Narbonne, sau đó lan rộng sang các miền khác để rồi trở thành một trong những chiếc nôi sản xuất rượu vang quan trọng của Pháp trong nhiều thế kỷ. Khí hậu vùng Địa Trung Hải với hơn 300 ngày có nắng hàng năm cùng với điều kiện phong thổ ôn hòa thuận lợi, giúp cho vùng Languedoc-Roussillon trở thành nơi có khối lượng sản xuất rượu vang cao nhất tại Pháp.
 

Trong vùng Occitanie, Languedoc nổi tiếng nhờ kỹ thuật chế biến rượu vang hồng, bên cạnh các hiệu vang đỏ, vang trắng, thậm chí rượu sủi bọt. Các sản phẩm vùng Languedoc được xuất khẩu mạnh sang các quốc gia Bắc Âu, Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… Trong số các hiệu nổi tiếng nhất có các loại Costières de Nîmes, Saint-Chinian, Limoux, Corbières, Minervois và gần đây hơn nữa là Côtes du Gascogne kinh doanh với nhãn hiệu rượu vang ''ngự lâm'' thượng hạng ''Les Bons Crus d’Artagnan'' do gương mặt nổi tiếng nhất của vùng Gascogne tứ trước tới nay vẫn là anh hùng D'Artagnan. 
 

Nhờ có sản lượng phong phú dồi dào, dòng sản phẩm đến từ vùng Languedoc thuộc vào hạng gam trung bình có giá thị trường hợp lý phải chăng, nhưng có lẽ cùng vì thế mà về mặt chất lượng, rượu vang Languedoc (nơi có diện tích trồng nho lớn nhấtkhông có nhiều uy tín bằng các vùng khác, theo thứ tự quan trọng vẫn là Bourgogne, Bordeaux và Alsace… 
 

Giống như trường hợp của Bordeaux trong thời gian qua đã không ngừng cải thiện chất lượng vang trắng Bordeaux để đuổi kịp vang trắng vùng Alsace, vùng Languedoc cũng đã đầu tư nhiều vào việc nâng cấp sản phẩm của mình. Trong một thập niên gần đây, uy tín của rượu vang đỏ vùng Languedoc không ngừng đi lên. Việc thành lập danh sách các điểm đến không thể bỏ qua trên Con đường rượu vang Languedoc trở nên quan trọng không kém các vùng sản xuất khác như Alsace, Bourgogne hay Bordeaux. Nhất là trong năm tới, Alsace sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Con đường rượu vang đầu tiên trên đất Pháp (1953-2023).
 

Phát triển vườn nho Montpellier thành điểm hấp dẫn du khách

Về phần Montpellier, sau khi được trao tặng danh hiệu ''Vườn nho & Khám phá'', Hội đồng thành phố lập ra vào mùa hè năm nay những sinh hoạt và sự kiện trong nội vi thành phố, đồng thời vạch ra những lộ trình tham quan ở vùng ngoại thành dành cho du khách xung quanh các chủ đề như lịch sử và di sản, nghệ thuật và đời sống, phát triển bền vững và đa dạng sinh thái. Các nhà sản xuất rượu vang cần phải hội đủ các tiêu chuẩn này để có thể nằm trên danh sách các điểm đến trong chương trình tham quan các Vườn nho Montpellier.
 

Khi đăng ký các tour du lịch Con đường rượu vang Languedoc, khách được đưa đi tham quan theo nhiều chặng. Mỗi chặng đường kết hợp các chuyến du ngoạn vừa để chụp hình ngắm cảnh, vừa nghe giới thiệu về truyền thống sản xuất rượu vang ở vùng này. Trong chương trình, khách tham quan đến tận vườn nho, vào thăm hầm rượu cũng như các xưởng chế biến. Một số chủ trang trại còn kết hợp dịch vụ lưu trú và ăn uống gồm toàn những món đặc sản địa phương, khách tham quan có thể thuê phòng nghỉ ngay gần các vườn nho, các buổi nếm rượu không còn đơn thuần là uống thử mà bây giờ còn thường đi kèm với chuyện nên ăn những món gì nào, dung hòa món mặn hoặc món ngọt (pairing) sao cho thật hợp với các loại rượu đặc sản địa phương.
 

Trong các xưởng chế biến rượu vang, giới sản xuất ở vùng Languedoc nói riêng và ở Pháp nói chung, ngoài các nhãn hiệu IGP và AOP nhằm bảo đảm nguồn gốc của rượu vang, giờ đây còn phải đạt nhiều tiêu chuẩn khác, để chứng tỏ sự ý thức của họ về phát triển bền vững, kể cả việc ngưng dùng thuốc trừ sâu, thay thế hóa chất bằng những biện pháp tự nhiên hơn và luân phiên đất canh tác để hạn chế các tác hại trên môi trường, việc đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng cũng giúp nâng cao thêm giá trị của sản phẩm.
 

Giới sản xuất rượu vang ngoài việc kinh doanh các chai rượu, cũng tìm được thêm nhiều nguồn thu nhập khác qua hình thức tổ chức tham quan, phát triển thêm các dịch vụ du lịch xung quanh rượu vang. Không phải ngẫu nhiên mà Montpellier đã mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị hồ sơ của mình để đăng ký làm điểm đến mới trên Con đường rượu vang ở miền nam nước Pháp. Khách tham quan nào muốn đi thăm các vườn nho, nếm rượu và thưởng thức các món ăn địa phương, thì Languedoc ở vùng Occitanie là chặng dừng khá lý tưởng trong mùa hè năm nay. 

Nguồn dẫn https://www.rfi.fr/vi/v%C4%83n-h%C3%B3a/20220721-montpellier-%C4%91i%E1%BB%83m-%C4%91%E1%BA%BFn-m%E1%BB%9Bi-tr%C3%AAn-c%C3%A1c-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-r%C6%B0%E1%BB%A3u-vang-ph%C3%A1p